Các nhà khoa học Mỹ ngày 28/6 công bố đã thử nghiệm thành công vắc xin phòng chống virus Zika trên động vật trong phòng thí nghiệm, mở ra hy vọng sớm sản xuất vắc xin dành cho người nhằm ngăn ngừa loại virus đang lây lan nhanh chóng này. Giám đốc Trung tâm Siêu vi khuẩn học và Nghiên cứu vắc xin thuộc Trường Y Harvard, ông Dan Barouch cho biết 2 mẫu vắc xin được thử nghiệm trên chuột trong phòng thí nghiệm đã giúp "ngăn chặn hoàn toàn" virus Zika, kết quả lạc quan này cho thấy có thể phát triển thành công loại vắc xin hiệu quả và an toàn chống lại virus Zika dành cho người. Ông Dan Barouch là đồng tác giả của công trình thử nghiệm vắc xin phòng chống virus Zika được công bố trên Tạp chí Nature. Đáng chú ý, 2 mẫu vắc xin này được thử nghiệm với một liều duy nhất. Virus Zika (ZIKV) là một virus RNA (arbovirus) thuộc chi Flavivirus, họ Flaviviridae, lây truyền chủ yếu qua vết cắn của muỗi Aedes bị nhiễm. Tên của virus lấy tên từ khu rừng Zika, gần hồ Victoria ở Uganda, nơi đã tìm thấy đầu tiên vào năm 1947. Theo tổ chức National Geography, năm 2015 dịch bệnh do virus Zika đã phát triển ở Trung Mỹ, vùng Caribbean, Nam Mỹ là nơi bệnh do virus Zika đã đạt đến cấp đại dịch. Các trường hợp đầu tiên được phát hiện ở Brazil; quốc gia này đang bị ảnh hưởng nặng nhất với hơn 1.500.000 trường hợp (0,72% dân số Brazil). Ngày 1/ 2/ 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu về virus Zika, sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia về dịch tễ học, y tế công cộng, bệnh truyền nhiễm từ khắp thế giới tại một cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp Y tế Quốc tế thuộc WHO. Ngày 5/4/2016, WHO ra thông báo, virus Zika đã lây lan tới 61 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với 130 nước có loài muỗi Aedes mang loại virus này, khiến nguy cơ virus Zika lan rộng. Tổ chức này cảnh báo dịch Zika có thể diễn biến tồi tệ hơn trước khi được kiểm soát và khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp chống muỗi và tránh bị muỗi đốt. Đây là loại virus nguy hiểm, nhất là với phụ nữ mang thai vì có khả năng gây ra dị tật đầu nhỏ ở thai nhi, cũng như gây ra nhiều hội chứng rối loạn như Guillain-Barre ở người lớn, song chưa có vắc xin hay thuốc đặc trị. Theo WHO, hiện có hơn 60 công ty và các viện nghiên cứu tham gia phát triển vắc xin phòng chống Zika, trong đó có 18 mẫu vắcxin dành riêng cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. |